10 Loại rượu ngon nhất Việt Nam
Từ lâu, rượu đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Việt Nam ta. Tuy là một nước nhỏ, nhưng mỗi vùng đất Việt đều sở hữu những nét độc đáo riêng trong văn hóa, trong nghề nấu rượu.
Những loại rượu được sản xuất ở mỗi vùng khác nhau đều có hương vị độc đáo riêng, không kém phần đa dạng. Mà chắc chắn bạn nếm qua một lần sẽ không thể quên được những hương vị riêng biệt ấy. Dưới đây là danh sách 10 loại rượu ngon nhất, đại diện cho văn hóa mỗi vùng. Đại diện cho rượu Việt Nam trên thế giới nhé.
Rượu nếp San Lùng
San Lùng là đặc sản của người Dao đỏ, xuất phát từ thôn San Lùng, tỉnh Lào Cai. Loại rượu này đặc trưng cho mùi thơm của men lá rừng. Kết hợp với vị thóc nương vừa tới đậm đà, ngọt thanh. Vì được ướp trực tiếp từ hạt thóc và lá rừng. Nên khi nếm rượu sẽ cảm nhận được sự tê tê ở đầu lưỡi. Hương thơm vương vấn trong miệng cùng với mùi thơm khó quên.
Đây cũng là loại rượu có chiều sâu lịch sử. Từ truyền thống thờ cúng tổ tiên. Cúng thần núi, thần rừng, cúng trời đất vì một năm mưa thuận gió hòa.
Rượu Ngô Bản Phố
Rượu ngô Bản Phố hay còn gọi là rượu ngô Bắc Hà là một thứ rượu ngon đặc sản của người Mông ở Bản Phố, cao nguyên Bắc Hà, Lào Cai. Rượu ngô Bản Phố nấu từ nước lấy từ suối Hang Dế. Ngô dùng nấu rượu Bản Phố không phải trồng ở nương rẫy hoặc thung lũng, mà ở trên núi đá cao heo hút.
Rượu Mẫu Sơn
Rượu Mẫu Sơn là một loại rượu ngon đặc sản do người Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn, Lạng Sơn làm ra. Rượu được chưng cất thủ công với phương thức cổ truyền hàng ngàn năm từ gạo, từ nước tinh khiết của những con suối chảy trong núi có độ cao hơn 1000m và loại men lá rừng được pha chế từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm.
Rượu Mẫu Sơn trong vắt như nước suối, rót ra chén sủi tăm, uống vào không có cảm giác gắt, hay nóng, hương vị thơm nồng, êm dịu, đậm đà đặc trưng của lá và rễ cây.
Rượu Táo Mèo
Rượu Táo Mèo là thứ rượu đặc sản của người H’Mông Sa Pa. Cùng với rượu San Lùng, Bát Xát và rượu ngô Bắc Hà rượu Táo Mèo là các danh tửu của Lào Cai. Rượu Táo Mèo có màu nâu sóng sánh và vị thơm ngọt đặc trưng.
Rượu Kim Sơn
Rượu Kim Sơn là rượu được chưng cất từ gạo nếp, men thuốc bắc. Nguồn nước giếng khơi tự nhiên, sản xuất theo bí quyết của người dân các làng nghề tại Kim Sơn. Rượu thường có nồng độ cao, trong suốt, bọt tăm rượu càng to thì độ rượu càng cao.
Rượu Làng Vân
Rượu Làng Vân được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon trồng trên cánh đồng làng Vân Xá, xã Vân Hà,Việt Yên, Bắc Giang với men rượu bí truyền của làng Vân.
Rượu Phú Lễ
Rượu Phú Lễ thơm ngon là nhờ men, nước giếng làng, nếp trồng trên chính vùng đất này và đặc biệt là nhờ ủ nếp trong những cái tỉn đã có hằng trăm năm.
Rượu Hồng Đào
Rượu Hồng Đào được nấu từ nếp hương Bà Rén và gạo Gò Nổi, tất cả đều là nguyên liệu mới, thu hoạch không quá ba tháng. Men rượu là loại men đặc biệt tuyển chọn từ men lá cổ truyền trong đó Men Hồng Đào là men đặc trưng của rượu Hồng Đào.
Rượu Bàu Đá
Tên gọi của rượu là do được nấu chủ yếu từ làng Cù Lâm thuộc xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bàu Đá là tên của một bàu nước ngày xưa cả làng dùng chung, là nguồn nước để chưng cất rượu Bàu Đá. Rượu Bàu Đá rất “nặng” (trên 50 độ) uống nhanh say nhưng say rồi không thấy mệt hay nhức đầu.
Rượu Cần
Rượu cần là cách gọi của người Việt Nam đối với loại rượu đặc sản được một số dân tộc thiểu số Việt Nam ủ men trong hũ, không qua chưng cất, khi đem ra uống phải dùng các cần làm bằng tre/trúc đục thông lỗ để hút rượu. Ở Tây Nguyên đâu đâu cũng uống rượu cần. Rượu cần thơm, ngon, mát, bổ, kích thích tiêu hoá, lợi tiểu.
Nguồn eneoia.com